10/07/2019
Lượt xem: 588
Hội thảo “Về Chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ”
Chiều ngày 05/7/2019,
tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học
và công nghệ (Cục PTTTDN KH&CN) phối hợp với Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa
học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Về Chính sách phát triển doanh
nghiệp KH&CN và ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN” nhằm
tuyên truyền, phổ biển chính sách mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công
tác cấp Giấy chứng nhận, triển khai chính sách ưu đãi của nhà nước đối với
doanh nghiệp KH&CN; hoạt động ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN. Dự Hội thảo có các công chức thuộc Cục PTTTDN
KH&CN, Cục Công tác phía Nam, Sở KH&CN các tỉnh thuộc vùng Nam
Trung bộ, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các doanh nghiệp KH&CN, đơn
vị ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.
Thời gian qua, công tác phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh
nghiệp KH&CN nói riêng đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai, nhiều chính sách được ban hành như: Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của
Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP
ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018
và những năm tiếp theo; Quyết định số
1381/QĐ-TTg ngày 12/7/2016 của Thủ tướng
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định
số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ
trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025,… nhằm hỗ
trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh
hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh
vực KH&CN, thương mại hóa sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo các nhà quản lý, doanh nghiệp đã thông tin về
các nội dung, điểm mới của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019
so với Nghị định số 80/2007/NĐ-CP
ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh
nghiệp KH&CN; tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN và
hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động
phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Bến Tre;
thực hiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp
KH&CN - Công ty TNHH Chế tạo máy Dược phẩm Tiến Tuấn; thực trạng hoạt động
ươm tạo và định hướng phát triển Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường
Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động hỗ trợ khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ
cao; nội dung bản thảo Thông tư về hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở
kỹ thuật, khu làm việc chung. Đồng thời các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận
xoay quanh các vấn đề về thực trạng, khó khăn
trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê
đất, hỗ trợ thương mại hóa các sản
phẩm hình thành từ kết quả KH&CN; công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký chứng
nhận doanh nghiệp KH&CN,…
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PTTTDN KH&CN Trần Xuân Đích thông tin, ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, hiệu lực thi
hành từ ngày 20/3/2019, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
KH&CN như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất;
ưu đãi tín dụng,… có nhiều quy định mới so với Nghị
định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 như: giảm thời gian cấp Giấy
chứng nhận doanh nghiệp KH&CN từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; bổ sung thêm thẩm quyền của Cục
PTTTDNKH&CN được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong một số
trường hợp đặc biệt (Các kết quả KH&CN được hình thành từ nhiệm vụ
KH&CN đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội,
quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; doanh nghiệp được thành lập từ việc
chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập mà đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ
KH&CN; doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhiều
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,…); quy định đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, chưa đáp ứng yêu cầu về tỷ
lệ doanh thu vẫn được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết
quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN;…. Trên cơ sở ý kiến của các
đại biểu, Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích đại diện cơ quan chủ trì Hội thảo, tiếp
thu ý kiến đóng góp và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cơ quan có
thẩm quyền thảo gỡ những khó khăn, vướng mắt trong quá trình thực hiện các
chính sách liên quan, góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động
doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới.
Lâm Văn Tùng